Tin tức - Sự kiện

12/05/2024

Văn hóa an toàn - “sức mạnh” bảo vệ người lao động

(PLVN) - Không phải đến bây giờ, khi hàng loạt các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra và nguy cơ mất an toàn lao động luôn rình rập doanh nghiệp, người lao động, vấn đề văn hóa an toàn mới được quan tâm. Nhưng cần làm gì để văn hóa an toàn thực sự trở thành “sức mạnh” bảo vệ người lao động, giúp doanh nghiệp quản trị rủi ro, thì đó vẫn là vấn đề mới ở Việt Nam và rất cần được quan tâm

Sự đảm bảo để “con thuyền kinh tế, xã hội” của Việt Nam vươn ra biển lớn hội nhập

Ngày 25/12/1958, khi đi thăm Nhà máy Cơ khí Hà Nội, Hồ Chủ tịch đã căn dặn: “Phải bảo đảm an toàn lao động, vì người lao động là vốn quý nhất”. Hiến pháp năm 2013 của nước CHXHCN Việt Nam khoản 2 Điều 35 quy định: “Người làm công ăn lương được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn; được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi”.

Chỉ thị số 29-CT/TW năm 2013 về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế nêu rõ: Đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức chủ động bảo đảm an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân; Tăng cường công tác đào tạo, nâng cao hiểu biết, kỹ năng phòng tránh tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và bảo đảm vệ sinh lao động cho người lao động...”.

Tại Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 -2030: “Giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương”.

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đưa ra định nghĩa về văn hóa an toàn (VHAT) là: “VHAT tại nơi làm việc là văn hoá mà trong đó có quyền một môi trường làm việc an toàn và vệ sinh của người lao động được tất cả các cấp tôn trọng. Hệ thống các quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ, nguyên tắc phòng ngừa được ưu tiên hàng đầu”. Từ đó, ILO kêu gọi các quốc gia hưởng ứng chiến lược toàn cầu về ATVSLĐ dựa trên 2 cơ sở: nâng cao VHAT và thực hiện hệ thống quản lý ATVSLĐ. Thế giới phẳng, trong quá trình hội nhập, Việt Nam phải chấp hành nghiêm ngặt các tiêu chuẩn lao động như: tiêu chuẩn ATVSLĐ của ILO, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế và trong các hiệp định Thương mại thế hệ mới. Bởi tiêu chuẩn ATVSLĐ chính là hàng rào kỹ thuật đối với hàng hóa Việt Nam và đặc biệt trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0...

Từ góc nhìn bao quát trên, có thể nói công tác chăm lo, đảm bảo an toàn, sức khỏe và tính mạng cho người lao động là một trong những chủ trương, chính sách lớn luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, coi trọng từ trước tới nay và cũng là sự đảm bảo để “con thuyền kinh tế, xã hội” của Việt Nam vươn ra biển lớn hội nhập.

Văn hóa an toàn hướng đến người lao động

Vấn đề an toàn lao động tại doanh nghiệp ngày càng được quan tâm. (Nguồn: laodongcongdoan.vn)

Vấn đề an toàn lao động tại doanh nghiệp ngày càng được quan tâm. (Nguồn: laodongcongdoan.vn)

Những người hoạt động trong lĩnh vực ATLĐ thường hay nhắc đến câu nói của Ferdinant Porsche - vị Chủ tịch đầu tiên của hãng xe hơi Volkswagen: “Hãy làm tất cả để cho người lao động của chúng ta đêm nằm mong trời mau sáng dậy đi làm”. Sở dĩ câu nói này được nhắc tới bởi đó chính là việc hình thành, củng cố và duy trì VHAT trong doanh nghiệp.

Hội nghị lao động Quốc tế tổ chức ở Geneve tháng 6/2003, VHAT chỉ rõ: “Là một văn hoá, trong đó người lao động có quyền được tạo điều kiện làm việc an toàn và hợp vệ sinh, được ba bên trong quan hệ lao động gồm: Nhà nước, người sử dụng lao động và người lao động tôn trọng và tham gia tích cực vào việc bảo đảm ATVSLĐ thông qua một hệ thống quản lý với các quyền, trách nhiệm và bổn phận, trong đó nguyên tắc phòng ngừa được ưu tiên hàng đầu”.

Tại Tọa đàm “Quản trị rủi ro bằng văn hóa an toàn, tầm nhìn và mô hình hiệu quả ở Việt Nam lần thứ nhất năm 2024” diễn ra vào cuối tháng 4/2024 do Viện Khoa học an toàn và vệ sinh lao động, TS Nguyễn Anh Thơ - Viện trưởng nhấn mạnh: “Các quan điểm về đánh giá và quản lý rủi ro thông qua VHAT được Chính phủ của các quốc gia phát triển đưa ra trong nội dung thiết yếu của kế hoạch phòng, chống, ngăn ngừa các thảm họa trong lao động, sản xuất và thậm chí trong cả đời sống xã hội. Đặc biệt, đánh giá và quản lý rủi ro là một yêu cầu quan trọng bắt buộc trong việc xây dựng hệ thống quản lý về ATVSLĐ nhằm khống chế, kiểm soát các sự cố, tai nạn tại nơi làm việc”.

Từ góc nhìn của Hội khoa học kỹ thuật ATVSLĐ Việt Nam, GS.TS Lê Vân Trình - Chủ tịch Hội đưa ra nhận định: “VHAT là quản lý ATVSLĐ một cách toàn diện ở tất cả các khía cạnh, từ luật pháp tới quản lý và kỹ thuật, là việc làm hết sức cần thiết giúp đem lại điều kiện lao động an toàn và lành mạnh cho người lao động. Đối tượng trung tâm và được ưu tiên bảo vệ của ATVSLĐ và phòng ngừa rủi ro là con người. Bởi vậy, nhận thức, hành vi, sự tương tác về văn hóa và xã hội của người lao động và văn hóa doanh nghiệp cần được chú trọng”.

Thực tế cho thấy, tiếp cận ATVSLĐ từ khía cạnh văn hóa doanh nghiệp có thể đem tới sự cải thiện bền vững hiệu quả hoạt động ATVSLĐ của doanh nghiệp. Tại Tọa đàm, theo bà Trần Phương Thảo - Ban An toàn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), EVN đã xây dựng Đề án nâng cao hiệu quả quản lý công tác an toàn giai đoạn 2021 - 2025, trong đó đặt ra các mục tiêu, nhiệm vụ như: giảm tối thiểu 30% tần suất tai nạn và ngăn ngừa, giảm thiểu tai nạn bền vững hướng tới không có tai nạn chết người; xây dựng và thực thi VHATLĐ; nghiên cứu ứng dụng hệ thống quản lý an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế (ISO 45001).

“EVN đã thực hiện khảo sát về VHAT với hơn hơn 22.000 người tại 22 đơn vị thí điểm cho thấy, đa số cán bộ quản lý, cán bộ an toàn, người lao động đều nhất quán về mục đích xây dựng VHAT, về các yếu tố liên quan tới VHAT; nhận thức được trách nhiệm đối với công tác an toàn; ủng hộ việc xây dựng VHAT tại doanh nghiệp... EVN có 12 nguyên tắc cơ bản thực thi văn hóa an toàn và để thực thi EVN đã, đang và sẽ áp dụng bộ tiêu chí đánh giá VHATLĐ; xây dựng bộ quy tắc VHATLĐ; xây dựng sổ tay VHATLĐ; đào tạo tăng cường VHATLĐ theo các lộ trình 2024 - 2025 và 2025 - 2030” - bà Trần Phương Thảo cho biết.

Theo GS.TS Lê Vân Trình, trong mỗi doanh nghiệp, cùng với văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân, thì VHAT là sự hoàn thiện của “thế chân kiềng” để đảm bảo cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

“Văn hóa ATVSLĐ cần được hoàn thiện trong quan hệ lao động. Trong đó, Nhà nước có trách nhiệm xây dựng được hệ thống pháp luật ATVSLĐ hoàn chỉnh và kiểm tra giám sát việc thực hiện. Người sử dụng lao động có trách nhiệm chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, xây dựng hệ thống quản lý ATVSLĐ tại doanh nghiệp, xây dựng quy trình làm việc an toàn, chăm lo cải thiện điều kiện lao động cho người lao động, tạo điều kiện tốt nhất để người lao động thực thi quy trình, quy phạm ATVSLĐ. Còn người lao động cần tự giác thực hiện các qui trình, qui phạm ATVSLĐ; tự thân nêu cao ý thức tự bảo vệ mình” - GS.TS Lê Vân Trình nhấn mạnh.

Cũng theo GS.TS Lê Vân Trình, nếu người sử dụng lao động ý thức được về văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân và VHAT trong sự phát triển của doanh nghiệp mình, thì doanh nghiệp sẽ phát triển bền vững. Thực hiện VHAT trong thời kỳ hội nhập là giúp doanh nghiệp tạo ra môi trường lao động tốt, bảo đảm ATVSLĐ, một môi trường văn hóa lành mạnh, vui tươi, phấn khởi cho người lao động an tâm sản xuất, cuộc sống vật chất ổn định, đem lại lợi ích to lớn cho doanh nghiệp, từ đó tạo ra sự tin tưởng của người sử dụng sản phẩm; sự tín nhiệm của những người hợp tác. Đặc biệt tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư, đối tác an tâm liên doanh liên kết với doanh nghiệp giúp doanh nghiệp phát triển một cách bền vững.

“Quá trình xây dựng VHAT bao gồm việc cải tiến các hệ thống và sử dụng công nghệ mới. Để xây dựng và đạt được VHAT, Nhà nước có trách nhiệm xây dựng và thực hiện một chính sách chặt chẽ về ATVSLĐ nhằm nâng cao văn hóa phòng ngừa trong tất cả các công dân, bắt đầu bằng công tác giáo dục. Hệ thống quản lý ATVSLĐ ở cấp doanh nghiệp (ISO 45001) là chìa khoá của sự phát triển không ngừng nhằm xây dựng và duy trì một VHAT mang tính phòng ngừa cấp quốc gia. Vì thế, người sử dụng lao động có trách nhiệm cam kết cung cấp môi trường làm việc an toàn và vệ sinh thông qua việc thiết lập các hệ thống quản lý ATVSLĐ dựa trên Hướng dẫn của ILO (ILO-OSH 2001, ISO 45001)”.

Hồng Minh