Amiang

24/02/2020

NHỮNG TRANH LUẬN XUNG QUANH TÁC HẠI CỦA AMIĂNG TRẮNG.

Amiang đã từng được coi là một loại vật liệu tuyệt vời vì nó có những tính chất ưu việt mà ít loại vật liệu tự nhiên nào có được, đó là: khả năng chịu nhiệt, cách điện, chịu mài mòn tốt. Vì thế nó là nguyên liệu dùng để sản xuất hơn 3000 loại sản phẩm khác nhau từ tấm lợp, ống thoát nước, vách ngăn cách âm, cách nhiệt, má phanh ...

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, Việt Nam đã trở thành một trong 10 nước tiêu thụ Amiang nhiều nhất thế giới, trung bình mỗi năm khoảng 60.000 tấn.  Amiang chủ yếu được nhập từ Nga, chiếm hơn 85% tổng lượng Amiang nhập vào Việt Nam; lượng Amiang tiêu thụ tại Việt Nam có xu hướng tăng. Nếu năm 2008, lượng Amiang tiêu thụ tại Việt Nam  là xấp xỉ 50.000 tấn ( đứng thứ 10 thế giới),  năm 2010 là ~60.000 tấn (đứng thứ 9) thì năm 2012 là gần 79.000 tấn (đứng thứ 6) [2]. Nếu tính theo đầu người thì Kazastan là nước tiêu thụ nhiều nhất, 9,24 kg/người/năm. Trung Quốc và Ấn Độ là những quốc gia đông dân số nhất thế giới nên lượng Amiang tính theo đầu người, lần lượt là 0,47 kg/người/năm và 0,26 kg/người/năm, còn thấp hơn Việt Nam (0,68 kg/người/năm vào năm 2010). Ngoài Amiang, Việt Nam còn nhập rất nhiều sản phẩm chứa Amiang, ví dụ: vải, má phanh, vật liệu cách nhiệt, gioăng đệm, thừng, sợi, thảm; đặc biệt các tấm phẳng để trang trí hoặc ngăn che trong các toà nhà chung cư cao tầng, nhà văn phòng... Các sản phẩm này được nhập từ Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Đài Loan, Mỹ… và cả từ các nước đã cấm sử dụng Amiang như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore [1].

Loài người có thể cứ tiếp tục sử dụng Amiang trong mọi hoạt động sinh hoạt và sản xuất nếu như các nhà khoa học không phát hiện ra mặt trái của nó: tác hại đến sức khoẻ con người. 115 năm trước, khi Lucy Deane phát hiện ra  các bằng chứng về tác hại của Amiang, sau đó số người mắc bệnh và chết vì các bệnh liên quan đến Amiang cứ tăng dần.  Đặc biệt vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước, người ta bắt đầu phát hiện hàng loạt bệnh nhân bị tử vong do các bệnh về phổi liên quan đến Amiang. Những người này đều đã từng làm việc ở các cơ sở sản xuất Amiang. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới các bệnh liên quan đến Amiang cướp đi sinh mạng khoảng 100.000 người.

Xu hướng chung của thế giới là ngày càng có nhiều nước cấm sử dụng hoặc hạn chế sử dụng Amiang. Trong số 143 nước tiêu thụ Amiang, cho đến nay đã có 54 nước cấm hoàn toàn sử dụng Amiang và các sản phẩm chứa Amiang. Tại Hội nghị về Công ước Rotterdam lần  thứ VI tổ chức tại Geneva, Thuỵ Sỹ từ 28/4 đến 10/5/2013, trong số 152 nước và Liên minh châu Âu, đại đa số đồng ý, chỉ có 7 nước (trong đó có Việt Nam) phản đối đưa Amiang trắng vào phụ lục III của Công ước (Công ước Rotterdam  là công ước trong đó yêu cầu rõ ràng vthủ tục thỏa thuận phải thông báo trước đối với một số thuốc bảo vệ thực vật nguy hại và hóa chất công nghiệp trong thương mại quốc tế). Vai trò của Công ước Rotterdam là hạn chế xuất nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật nguy hại và hóa chất công nghiệp nhằm xây dựng môi trường an toàn hóa chất toàn cầu. Kèm theo Công ước Rotterdam còn có 6 phụ lục; Phụ lục 3 của công ước này là danh mục các loại hóa chất công nghiệp và thuốc bảo vệ thực vật thuộc diện phải quản lý đặc biệt; hiện nay phụ lục này bao gồm 47 hoá chất nguy hại (gồm 33 hoá chất là thuốc trừ sâu và 14 hoá chất công nghiệp), trong đó có 5 loại Amiang nhóm Amphibol là: Actinolite, Anthophyllite, Amosite, Crocidolite, và Tremolite. Ngay từ Hội nghị Rotterdam lần thứ 4 (2009) Amiang trắng đã được đề nghị đưa vào phụ lục III; sau đó đến hội nghị lần 5 (2011) và lần 6 (2013) đề nghị đó vẫn chưa được nhất trí thông qua. Hội nghị Rotterdam lần thứ 7 tại Rome (2015) sẽ tiếp tục xem xét. Cũng cần lưu ý là, các hoá chất đưa vào phụ lục III không có nghĩa bị cấm hoặc hạn chế buôn bán, nhưng nó sẽ tăng cường việc bảo vệ cho sức khoẻ con người và môi trường thông qua việc trao đổi thông tin về an toàn giữa các nước xuất khẩu và nước nhập khẩu hoá chất.

Vì tác hại của Amiang nâu và xanh đã rất rõ ràng nên việc cấm sử dụng chúng đã được hầu hết các nước trên thế giới đồng tình và ủng hộ. Tuy nhiên, đối với Amiang trắng thì lại còn tranh cãi. Hiệp hội Amiang Chrysotile quốc tế (ICA) là tổ chức vận động mạnh mẽ, cổ suý cho việc sử dụng Amiang trắng. Đây cũng là đại diện tiêu biểu nhất của phe ủng hộ sử dụng Amiang.

Trong một công văn trả lời TS. Mahmood A. Khwaja, chuyên gia cao cấp của Viện chính sách phát triển bền vững Pakistan, Ông Jean-Marc Leblond, chủ tịch của Hiệp hội  Amiăng trắng quốc tế (International Chrysotile Association= ICA), đã đưa ra những luận điểm để bảo vệ việc sử dụng Amiăng trắng mà ông ta cho rằng “ rất an toàn để sử dụng”. Quan điểm này cũng tương đối phổ biến cho phái ủng hộ sử dụng Amiang trắng.

Sau đây là tóm tắt phản biện của các nhà khoa học đối với các luận điểm của ICA về Amiăng trắng.

1) ICA khẳng định rằng “có nhiều bằng chứng khoa học khẳng định rằng Amiang Chrysotile có thể sử dụng một cách an toàn”

Phản biện: Trên thực tế, nhiều bằng chứng khoa học cho thấy Amiang gây nên các bệnh chết người và việc sử dụng “an toàn” Amiang chưa bao giờ được văn bản hoá. Ngay cả tại Canada, một quốc gia được luật hoá và có khoa học phát triển, nơi mà Amiang đã được khai thác và sử dụng ở vùng Quebec hàng trăm năm nay, tất cả các Trưởng Ban Y tế của chính quyền Quebec đều cảnh báo rằng không thể nào “sử dụng Amiang một cách an toàn”. Chính quyền Quebec hiện tại đã hoàn toàn chấm dứt việc hỗ trợ ngành công nghiệp Amiang của Quebec. Do Amiang đã từng được sử dụng, ủy ban ATVSLĐ Quebec báo cáo rằng các bệnh có liên quan đến Amiang chiếm 70% tổng số các trường hợp tử vong do các bệnh nghề nghiệp (BNN). Trong khi một số lượng nhỏ các nhà khoa học được các ngành công nghiệp Amiang đỡ đầu phủ nhận các nguy cơ về sức khỏe của Amiang và ủng hộ việc tiếp tục sử dụng nó, thì trên thế giới không một tổ chức khoa học có tiếng nào ủng hộ quan điểm này.

Tổ chức Y tế thế giới ( WHO), Tổ chức Lao động quốc tế ( ILO) và Ngân hàng thế giới (WB) đã đồng loạt kêu gọi ngừng sử dụng Amiang Chrysotile. Cũng cần lưu ý là, trên thế giới, 100% lượng amiang thương mại đều là Amiang Chrysotile. Trong thế kỷ trước, Amiang Chrysotile chiếm 95% lượng Amiang thương mại và 5% còn lại là các dạng Amiang khác. WHO cho biết hằng năm có 107.000 trường hợp tử vong do tiếp xúc với Amiang.

 Hiệp hội Kiểm soát Ung thư quốc tế với hơn 700 tổ chức thành viên ở 155 quốc gia, Liên đoàn các Hiệp hội Y tế Công cộng thế giới, Ủy ban Sức khỏe Lao động quốc tế, Hiệp hội An sinh quốc tế và  Liên hiệp Công đoàn thế giới - đại diện cho 175 triệu công nhân ở 151 quốc gia, đã đồng loạt kêu gọi cấm sử dụng Amiang dưới mọi hình thức, bao gồm cả Amiang Chrysotile.

2) ICA khẳng định rằng các loại vật liệu xây dựng ximăng có chứa Chrysotile “sẽ không gây nên bất kỳ rủi ro đáng kể nào tới các công nhân, cộng đồng và môi trường, chỉ cần áp dụng các biện pháp kiểm soát đơn giản”.

Phản biện: Trên thực tế, WHO đã đặc biệt nhấn mạnh mối nguy hiểm của các vật liệu xi măng xây dựng có chứa Chrysotile, trong đó nêu rõ : “Một lượng lớn công nhân đã bị ảnh hưởng, vấn đề phơi nhiễm rất khó kiểm soát và các vật liệu tại chỗ có nguy cơ bị hư hỏng, trở nên nguy hiểm với những người thực hiện công tác thay đổi, bảo dưỡng và phá dỡ”.

3) ICA khẳng định rằng các dạng khác của Amiang rất nguy hiểm, nhưng riêng Amiang trắng “có thể và đang được sử dụng một cách an toàn, với mức độ tiếp xúc thấp nó sẽ không gây nên rủi ro đáng kể với sức khỏe”.

Phản biện: Trên thực tế, các nghiên cứu đồng thuận về mặt khoa học đều khẳng định rằng, như WHO đã nêu ra, không hề có mức độ tiếp xúc nào với Amiang trắng là an toàn, và cách duy nhất để phòng ngừa các bệnh có liên quan đến Amiang là chấm dứt sử dụng dưới mọi hình thức. Không có một tổ chức khoa học có uy tín nào trên thế ủng hộ việc sản xuất và sử dụng Amiang.

4) ICA khẳng định rằng các loại sợi thay thế đều “ không ổn định, đắt hơn, kém bền và, không như Amiang trắng có độ rủi ro tối thiểu, chúng có nguy cơ tiềm ẩn không xác định với sức khỏe công nhân”.

Phản biện: Trên thực tế, cả WHO và WB đồng thời khẳng định, các vật liệu thay thế an toàn hơn bằng sợi hoặc không có sợi đều sẵn có và đã thỏa mãn nhu cầu sử dụng trong hàng thập kỷ. Các nghiên cứu được thực hiện ở Thái lan cho thấy sự chênh lệch giá cả là tối thiểu. Tuy nhiên, việc sử dụng Amiang trắng gây tổn thất kinh tế rất lớn trong việc chăm sóc sức khỏe, cũng như trong các biện pháp an toàn khi xây dựng, cải tạo, sửa chữa hoặc dỡ bỏ các công trình, hoặc khi khắc phục những thiệt hại do thiên tai như động đất,  bão tố. Ngành công nghiệp Amiang nằm ngoài tác động của các thiệt hại này, thay vào đó các chính quyền và người dân phải hứng chịu thiệt hại cả về người và của.

5) ICA khẳng định rằng 129 quốc gia thành viên của WHO, trong đó bao gồm cả Mỹ và Canada vẫn đang sử dụng Amiang cho tới bây giờ.

Phản biện: Cả ở Mỹ và Canada các hoạt động sử dụng Amiang gần như đã chấm dứt. Vào năm 1980, nước Mỹ  sử dụng 350.000 tấn Amiang. Năm 2011, Mỹ sử dụng 961 tấn chưa bằng 0,3% khối lượng năm 1980. Năm 2011, 5 quốc gia gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Brazil và Kazastan, chiếm 74% lượng tiêu thụ Amiang toàn cầu.  Từ năm 2000 đến năm 2012, số lượng các quốc gia cấm sử dụng Amiang đã tăng gấp 3 lần, từ 18 nước lên 54 nước, số lượng các quốc gia sử dụng Amiang cũng giảm 53% trong khoảng thời gian này. Đến năm 2012, chỉ còn 15 quốc gia sử dụng ở mức hơn 500 tấn Amiang/quốc gia mỗi năm.

Amiang gây nên những thiệt hại to lớn cả về nhân mạng và tài chính ở những quốc gia sử dụng nó. Trong nỗ lực bảo vệ lợi nhuận của mình, ngành công nghiệp Amiang nhắm đến những quốc gia đang cân nhắc việc cấm sử dụng Amiang và có những cuộc vận động hành lang mạnh mẽ.

6) Tiến sĩ vật lý David Bernstein, người được ICA nhắc đến rất nhiều lần với vai trò cố vấn, khẳng định rằng Amiang trắng sẽ rất nhanh bị đào thải khỏi phổi.

Phản biện: ICA tuyên bố rằng một nghiên cứu gần đây với tiêu đề “Xét lại nguy cơ tới sức khỏe của Amiang trắng” được thực hiện bởi tiến sĩ Bernstein và đồng nghiệp “có liên quan tối quan trọng tới cuộc thảo luận của quý vị”. ICA “ thuyết phục quý vị và các quý đồng nghiệp chú ý sâu sắc tới nội dung của nó”. ICA chưa hề tiết lộ rằng ICA đã đầu tư cho nghiên cứu này.

Mặc dù tiến sĩ Bernstein tự giới thiệu rằng mình là một nhà nghiên cứu độc lập, tuy nhiên khi được một trọng tài xét hỏi, ông đã thừa nhận rằng tất cả các nghiên cứu về Amiang trắng của mình đã được đầu tư bởi ngành công nghiệp Amiang và các tập đoàn đang đối mặt với sự kiện tụng vì các thiệt hại do Amiang gây ra. Tiến sĩ Bernstein đã thừa nhận rằng không một  tổ chức khoa học nào đồng ý với quan điểm của ông về Amiang trắng.

Theo báo cáo, tiến sĩ Bernstein đã nhận được 1 triệu USD từ tổ chức vận động ủng hộ Amiang trắng của Canada (Viện Nghiên cứu Amiang, giờ đổi tên là Viện Nghiên cứu Amiang trắng), từ đó thực hiện nghiên cứu có tên “Tính bền vững sinh học của Amiang trắng Canada”, được xếp đầu tiên trong danh sách các nghiên cứu được ICA thống kê trong bức thư của họ. Viện Nghiên cứu Amiang đã phát hành nghiên cứu của tiến sĩ Bernstein một cách rầm rộ vào tháng 9 năm 2003. Khi xuất bản trên truyền thông, Viện Nghiên cứu Amiang đã tuyên bố: dựa vào các kết quả nghiên cứu của TS Bernstein, Viện Amiang Quebec khuyến khích các nhà nhập khẩu tăng cường tiêu thụ Amiang Chrysotile của họ.

Trên thực tế, rất nhiều sợi Amiang trắng không bị đào thải ra khỏi phổi, mà chúng được chuyển vào trong màng phổi,  gây nên ung thư trung biểu mô (UTBM). Các nghiên cứu của Pháp, Mỹ và Nhật Bản cho thấy phần lớn các sợi trong phổi của các trường hợp bệnh trên đều là sợi Amiang trắng, đôi khi đó còn là loại sợi duy nhất tồn tại. Hơn thế nữa các chất gây ung thư khác (như formaldehyde, benzene, vinyl chloride, benzidine) có thời gian tồn tại trong cơ thể con người ngắn hơn sợi khoáng Amiang trắng rất nhiều. Tuyên ngôn về Amiang của JPC-SE đã cho thấy ngành công nghiệp Amiang đã coi thường chính sách y tế công cộng như thế nào: “Giống như cách mà ngành công nghiệp thuốc lá đã làm, ngành công nghiệp Amiang đã đầu tư và thao túng các nghiên cứu khoa học nhằm tạo ra các kết quả có lợi cho bản thân”. Tuyên ngôn cũng ghi lại cách thức mà ngành công nghiệp này đã ngụy tạo ra các tổ chức bình phong để khẳng định rằng: “dù các dạng Amiang khác rất nguy hại, nhưng Amiang trắng lại bị đào thải khỏi phổi rất nhanh, do đó không có đe dọa gì tới sức khỏe”???.

Tuyên ngôn cũng khẳng định rằng: “ Các cơ quan khoa học uy tín và độc lập đã phản đối các lập luận trên, do chúng mang tính sai sót, lừa dối và nguy hiểm”.

Những lập luận phản biện trên là khá sắc bén. Tuy nhiên, cuộc tranh luận này vẫn chưa ngã ngũ, ICA chưa chấp nhận chịu thua. Cuộc chiến chưa thể kết thúc khi lợi nhuận của các nhà sản xuất Amiang vẫn mang lại cho họ những khoản tiền kếch xù.

Cần nhấn mạnh rằng, ngay từ năm 2001 Chính phủ Việt Nam đã đưa ra lộ trình cấm sử dụng Amiang ở tất cả các dạng và hướng người dân chuyển sang sử dụng các sản phẩm không Amiang. Tuy nhiên đến năm 2004 (là thời hạn chót cấm hoàn toàn việc sử dụng tất cả cá loại Amiang), vì các lý do khác nhau, Chính phủ đã cho phép kéo dài thêm thời hạn sử dụng Amiang trắng. Tuy nhiên, cấm xây dựng mới các nhà máy sử dụng Amiang và khuyến khích việc nghiên cứu và sử dụng cá loại sợi thay thế Amiang. Một trong các loại sợi được dùng để sản xuất tấm lợp không Amiang hiện nay là sợi PVA do nó có các đặc tính ưu việt như: cường độ bền kéo cao, modun đàn hồi cao, đặc biệt là khả năng tạo liên kết vững chắc với phần tử xi măng trong quá trình thủy hóa, khả năng co dãn, kháng kiềm…Dây truyền công nghệ sản xuất tấm lợp không chứa Amiang (thay thế bằng sợi PVA) đã được lắp đặt tại Việt Nam từ năm 2007, và từ năm 2008 đến nay các sản phẩm tấm lợp không Amiang sử dụng PVA đã được sản xuất và chủ yếu cung ứng cho thị trường quốc tế với chất lượng cao [2]. Tiếc rằng, do giá thành còn khá cao nên các tấm lợp không Amiăng vẫn chưa có chỗ đứng trên thị trường trong nước.

Mặc dù các kết quả điều tra về các bệnh liên quan đến Amiang ở Việt Nam chưa đưa ra các con số báo động về tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ chết do Amiang vì nhiều lý do khác nhau nhưng các nghiên cứu của các nước tiên tiến trên thế giới đã chỉ ra tính nguy hiểm của Amiang cũng như tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ chết ngày càng tăng cao của những người tiếp xúc với Amiang. Chúng tôi cho rằng, Việt Nam cũng cần xem xét cẩn trọng khuynh hướng chung của thế giới mà có các quốc sách phù hợp, vừa đảm bảo lợi ích cho sức khoẻ của người tiêu dùng, vừa không mang tiếng là quốc gia có quan điểm bảo thủ, lạc hậu và không nhân đạo.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.      Công ước Rotterdam, 2013

2.      Đỗ Quốc Quang: Những tiến bộ trong công nghệ sản xuất tấm lợp không Amiang ở Việt Nam, 2010;

3.      Hồ sơ quốc gia về sức khỏe nghề nghiệp liên quan đến Amiang năm 2009, 2010, 2011;

4.    Quyết định 115/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ Về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2010, 2001

5.      Quyết định 133/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ Về việc sửa đổi một số diều trong QĐ 115/2001/QĐ-TTg, 2004;

6.      Quyết định 212/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ Về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020, 2008;

7.      Số liệu điều tra về nhập khẩu amiang của Tổng cục Hải quan năm 2009, 2010, 2011 và 2012;

8.        David M. Bernstein, Rick Rogers, Paul Smith: The biopersistence of Canadian chrysotile asbestos following inhalation. 2008

9.        Laurie Kazan-Allen. Chronology of National Asbestos Bans, 2013;

10.    Statement in response to asbestos industry efforts: “Chrysotile asbestos use is not safe and must be banned”, Pakistan, 2013.